Đạo diễn trẻ Đổng Tường – từ bỏ kiến trúc để thừa kế nghệ thuật Cải Lương Tuồng Cổ

Là một đạo diễn khá trẻ, tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc của trường đại học Văn Lang, song Đổng Tường lại chọn nghệ thuật Cải Lương là đam mê để theo đuổi.

Xuất thân là một sinh viên chuyên ngành kiến trúc của đại học Văn Lang. Thế nhưng Đổng Tường lại có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật và bén duyên với điện ảnh từ lúc nào không hay. Năm 2018, thành công với wed drama đầu tay Chuyện Đạo Hát, Đổng Tường đã chính thức có bước chuyển riêng trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình. Mới đây, cậu thanh niên trẻ lại tiếp tục bắt tay làm một dự án cải lương với thầy mình – nghệ sĩ Bạch Long có tên Thằng Bờm Kể Chuyện Xưa nhằm phục vụ cho các bé thiếu nhi dịp trong hè về.

Đam mê với bộ môn nghệ thuật từ năm lớp 7. Thế nhưng mãi tới sau này mới chính thức theo nghề vì nhiều lý do. Thế nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn luôn cháy bỏng trong lòng cậu thanh niên 9x này.

Tại sao lại là năm 2018 và là phim cải lương?

2018 phải nói như một năm đánh dấu cột mốc trong cuộc đời mình. Đó là năm cuối đại học. Trong khi các bạn cùng lớp đang bảo vệ tốt nghiệp thì mình lại vác máy đi làm phim. Thực sự lúc đó ba mẹ rất sốc vì đã hy vọng rất nhiều vào việc mình sẽ đi theo con đường mà ba mẹ đã chọn. Mình biết ba mẹ nào cũng thương con và luôn muốn con mình có được tương lai tươi sáng như người ta. Lúc đó mình thực sự đánh cược với gia đình và với cuộc đời mình. Nếu như “Chuyện Đạo Hát” không thành công thì mình sẽ chuyên tâm quay về ngành học cũ và sẽ làm một công việc mà ba mẹ mong muốn. Nhưng may mắn thay, nhờ sự gia hộ của Tổ Nghiệp và sự giúp đỡ từ những cô chú, anh chị em trong nghề như: nghệ sĩ Bạch Long, nghệ sĩ Hữu Thành, Ngọc Bình, cô Kim Hương, chị Nghinh Lộc, Tú Tri, bé Kim Thư, bé Ngân Chi, bạn Bảo Đăng sản xuất cùng toàn thể anh chị em trong ekip, “Chuyện Đạo Hát” lúc đó đối với mình là thành công. Và qua đó, ba mẹ phần nào yên tâm về con đường mình đã chọn và đã tạo điều kiện giúp đỡ mình rất nhiều trên con đường hoạt động sau này.

Thật sự lúc đó “Chuyện Đạo Hát” là dự án mà mình đã ấp ủ từ lâu. Một phần vì 2018 là năm kỉ niệm 100 Năm Nghệ Thuật Cải Lương lấy theo năm ra đời của bài hát Dạ Cổ Hoài Lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đó cũng là năm mà mình may mắn được gặp thầy Bạch Long, người đã cho mình kiến thức và động lực để làm một phim về đề tài lịch sử. Thời điểm đó, mình gặp Bảo Đăng, Bảo Đăng cũng nói là muốn làm một cái gì đó về nghề nhân dịp kỉ niệm này, thế là mình đưa kịch bản cho Bảo Đăng và Bảo Đăng đồng ý sản xuất cho dự án này. Nên mình rất cám ơn thầy Bạch Long, Bảo Đăng, toàn bộ anh chị em trong ekip và gia đình đã giúp đỡ để mình có được ngày hôm nay.

Khó khăn gì khi bước đầu theo nghề?

Thời điểm trước khi làm Chuyện Đạo Hát, mình toàn làm nghề “lén” gia đình. Bắt đầu làm nghề từ cuối năm 2012 đầu năm 2013, lúc đó mình lên Sài Gòn học đại học. Mơ ước của mình lúc đó là thi vào trường sân khấu nhưng gia đình không đồng ý vì nhiều lý do. Nên lúc học ở Văn Lang, mình có tham gia một câu lạc bộ Cascadeur. Song song đó mình có “lẻn” vào trường sân khấu để kết bạn và xin lịch học, lịch chuốt bài để học lóm. Rồi mỗi lần đi quay, mình luôn đứng ở sau lưng đạo diễn để học nghề, cứ có gì không hiểu là mình kiếm người bắt chuyện hỏi liền. Không thì tự tìm tài liệu để nghiên cứu. Cho đến bây giờ mình vẫn dùng cách học này. Lúc đó không quen biết nhiều nên thấy mấy bạn cùng trang lứa có nhiều cơ hội thuận tiện, mình cũng tủi lắm. Có lần đi làm cascadeur, bị mấy bạn trong trường nói không hay về công việc mình đang làm, lúc đó mình chỉ biết tủi thân về nhà khóc một mình chứ cũng không dám nói với ai. Nhưng sau này mình thầm cảm ơn những thời điểm đó vì đã tôi rèn cho mình bản lĩnh để đứng vững hơn. Nên sau này hễ có chuyện gì, mình cũng đều cười cho qua vì cả việc mà theo các anh cascadeur hay nói “chết thuê để người ta nổi tiếng mình còn làm được thì có khó khăn nào mà mình chùn bước được nữa.”

Vì sao lại đồng ý làm Series Thằng Bờm Kể Chuyện Xưa?

Sau khi làm xong “Chuyện Đạo Hát”, mình thấy mình bị mê cải lương hồi nào không hay. Khi đó mình gia nhập nhóm Đồng Ấu Bạch Long và được thầy dạy cho nhiều điều hay mà mình chưa từng được học. Trong lớp mình gặp được nhiều bạn trẻ, thấy mấy bạn nhỏ hơn mình mà vẫn còn yêu nghề nên mình thương lắm. Thầy có nói “muốn nghề còn thì phải có nghệ sĩ trẻ kế thừa. Nhưng muốn nghề sống thì phải có lớp khán giả trẻ kế thừa”. Trong bối cảnh sân khấu kịch hiện giờ đang khó khăn, và những sân khấu dành cho thiếu nhi ngày càng hiếm, thế là mình cùng thầy và các bạn bắt tay vào làm Series Thằng Bờm Kể Chuyện Xưa để phục vụ cho đối tượng khán giả là các bé thiếu nhi. Lúc đầu khi thầy ra đề xuất, mình đồng ý ngay vì nó khá giống với format Chuyện Ngày Xưa của nhóm Líu Lo, và nó có sự khác biệt là nó còn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc vì có yếu tố nghệ thuật cải lương. Để các bé biết được dân tộc ta có bộ môn nghệ thuật này, những giai điệu bài hát mà từ thời cha ông mình đã nghe đã hát, giáo dục cho các bé biết về sự hiếu thảo, lòng yêu nước, yêu thương dân tộc, biết giúp đỡ mọi người v.v…

Tuy nhiên mình cũng khá áp lực vì đây là một đề tài với mình là khá khó, khó cả về mặt chuyên môn cũng như mặt maketing. Nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của thầy, của các anh chị em nghệ sĩ tham gia cùng và cả hình ảnh của Đồng Ấu Bạch Long. Nhưng thấy mọi người máu lửa như vậy, cùng châm ngôn của mình “Làm nghệ thuật đừng dễ dãi”, và cũng không biết là vô tình hay một sự sắp đặt nào đó, năm nay lại là năm kỉ niệm 30 năm Đồng Ấu Bạch Long, các kịch bản ghi hình cũng lại là những kịch bản ngày xưa đưa tên tuổi Đồng Ấu nổi danh, đây cũng coi như là một thử thách với bản thân, thế là mình làm.

Khó khăn khi thực hiện Series Thằng Bờm Kể Chuyện Xưa?

Vì là kênh mới và nhóm cũng mới tiếp cận với youtube nên mọi thứ vẫn còn khá lọng cọng. Thế nhưng nhìn sự cố gắn và lòng yêu nghề sự chung tay của thầy, của mọi người, mình thực sự rất nể phục và có thêm lửa để thực hiện. Có những hôm quay mọi người phải hùn tiền vào để thuê thiết bị, chi trả cho các khoản khác, quay trong điều kiện thiếu thốn kinh phí và trang thiết bị, và vì đang là mùa mưa nên nhóm không thể quay ngoài bối cảnh thật mà phải chọn phương án key phông nên sản phẩm ra vẫn còn chưa được tốt lắm. Rất mong quý khán giả thương tình bỏ qua, nhóm vẫn đang cố gắn để sản phẩm chỉnh chu hơn từng ngày.

Ngoài Thằng Bờm Kể Chuyện Xưa, nhóm còn hoạt động nào khác?

Với mong muốn lan truyền văn hoá truyền thống nên ngoài việc làm kênh youtube, mình còn cùng mấy bạn ở trong Đồng Ấu như Bạch Liên, Bạch Tú My, Tô Trường Vinh cùng nhạc sĩ Thanh Tú đi lưu diễn ở khắp các trường học với mong muốn đem cải lương gần hơn với các bạn học sinh ở khắp mọi nơi và cùng đó phối hợp với giáo viên các bộ môn thực hiện sân khấu hoá các bài học Ngữ Văn, Lịch Sử giúp các bạn học sinh có một cái nhìn mới, chân thật, gần gũi và đỡ nhàm chán hơn các nhân vật, bài học trên trang giấy, qua đó các bạn sẽ dễ dàng thấy được lịch sử hào hùng của cha ông mình.

Mình mong muốn bộ môn nghệ thuật Cải Lương Tuồng Cổ sẽ mãi được lưu truyền và càng ngày càng lan toả mạnh hơn trong cộng đồng người trẻ, để các bạn thấy một cái nhìn đúng hơn về Nghệ thuật truyền thống Việt Nam, một bộ môn nghệ thuật đã phần nào giúp Văn Hoá Việt Nam vươn tầm thế giới. Mình xin một lần nhắc lại câu nói mà thầy – nghệ sĩ Bạch Long đã nói với mình “Người dân Việt Nam mình giỏi lắm, nhạc Tây, nhạc Tàu, nhạc Ấn, nhạc Thái, nhạc nào mình cũng hát được hết. Nhưng cải lương vọng cổ thì chỉ có người Việt Nam mình mới hát được thôi.”

Ngọc Mai tổng hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.