Khán giả có mặt trước giờ diễn đông đủ, không khí như cái thuở nhà nhà, người người cứ chiều tối đến có suất diễn là ăn bận chỉnh tề, trong tâm thế háo hức đi xem tuồng. Cũng có thể nói, đã khá lâu rồi khán giả, những người mộ điệu mới được tận hưởng món ăn tinh thần một thời. Vở diễn báo cáo của tập thể những hậu duệ Cải Lương Tuồng Cổ được tổ chức tại Nhà Văn hóa quận 5, đêm 5/1 vừa qua.
“Một đêm biểu diễn báo cáo để hồi tưởng lại cái ký ức của Đình Cầu Quan( Cái Nôi của Cải Lương Tuồng Cổ) biểu diễn hằng đêm qua lời kể của ba Thanh Sơn…cái thời “tung hoành ngang dọc” của Ông Nội Minh Tơ, Ông Tư Khánh Hồng, Ông 7 Thành Tôn, Bác 5 Thanh Tòng và các ông bà cô chú khác…” đó là lời chia sẻ của Thanh An con trai của nghệ sĩ Thanh Sơn.
Để có một buổi diễn ra mắt khán giả, các nghệ sĩ đã phải tập luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng phần vũ đạo.v.v… đã không ít người bị chấn thương trong lúc tập nhưng sự máu lửa, cùng cái tâm với nghề, họ chấp nhận sống trọn.
Được biết, đằng sau mỗi vai diễn là những hoàn cảnh khó khăn, ban ngày phải đi mưu sinh như phụ hồ, buôn bán…nhưng đêm đến khi ánh đèn sân khấu sáng lên, tấm màn nhung mở ra, thì cuộc đời họ lại được một lần nữa sống lại.
Khi nhắc tới tuồng cổ, không thể không nhắc đến đại gia tộc lớn của tuồng cổ, dòng họ bầu Thắng Minh Tơ. Ông Bầu Thắng có 8 người con, ba người con đi theo kháng chiến chống thực dân Pháp: Hai Chỉ, Năm Xù, Sáu Quan và năm người con theo nghề hát: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. Năm 1939, ông Bầu Thắng qua đời, bà Nguyễn Thị Ngọc tiếp tục lèo lái gánh hát, đổi bảng hiệu thành “Đoàn Bầu Thắng – Khánh Hồng”. Bộ môn hát bội vào thời điểm này đã bắt đầu bị thu hẹp đất sống. Để thích nghi với thực tế, nghệ sĩ Minh Tơ và vợ là nghệ sĩ Bảy Sự cùng với hai em là nghệ sĩ Khánh Hồng, Đức Phú đã sang đoàn cải lương Phụng Hảo của NSND Phùng Há để học hát cải lương. Nghệ thuật hát bội pha cải lương ra đời từ bước ngoặc này. Điều đặc biệt của dòng tộc Bầu Thắng là 5 người con theo nghề hát đều giỏi nghề và có người đã hình thành nên chi tộc nối nghiệp cha, đầy tự hào, như: Nghệ sĩ Minh Tơ và vợ là nghệ sĩ Bảy Sự có 9 người con đều làm nghệ sĩ: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn, Tuấn Minh, Quế Phương. Mỗi thành viên trong chi tộc này đã huấn luyện các con nối nghiệp và làm rạng danh gia tộc: Xuân Trúc, Trinh Trinh (con của nghệ sĩ Xuân Yến), Quế Trân (con của NSND Thanh Tòng), Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo (con của nghệ sĩ Thanh Loan, Trường Sơn)… Nghệ sĩ Minh Tâm là nhạc sĩ chuyên sáng tác âm nhạc cho sân khấu tuồng cổ. Nghệ sĩ Công Minh, ngoài một kép độc nổi tiếng còn là một chuyên gia may trang phục sân khấu kỳ cựu, nghệ sĩ Thanh Sơn hiện nay là giảng viên bộ môn vũ đạo của Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM… Chi tộc của nghệ sĩ Huỳnh Mai và chồng là NSND Thành Tôn đã sinh hạ được những người con giỏi làm nghệ thuật: Nghệ sĩ Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long và NSƯT Thành Lộc. Chi tộc nghệ sĩ Khánh Hồng có nghệ sĩ Chí Bảo theo nghề và anh là kép độc nổi tiếng hiện nay trên sân khấu cải lương tuồng cổ. Chi tộc Bạch Cúc – Hoàng Nuôi có đạo diễn Phượng Hoàng, người đã dàn dựng 200 vở cải lương video, mang cải lương phục vụ kiều bào các nước thông qua băng đĩa từ thập niên 1990 đến nay. Nghệ sĩ Đức Phú không có con nối nghiệp nhưng ông có rất nhiều đệ tử. Ông chính là người sáng tác những bài bản tuồng cổ mới từ năm 1968 và truyền nghề cho người cháu hiện nay đang làm công việc của ông là nhạc sĩ Minh Tâm .(Theo NLD)
Tuy rằng, nhu cầu xã hội ngày càng phát triển cho ra đời nhiều loại hình giải trí đa dạng, phong phú, nhưng dường như kịch hát dân tộc nói chung và tuồng cổ, cải lương nói riêng vẫn còn sức hút với đông đảo khán giả mộ điệu. Vì khi người nghệ sĩ hóa thân thành các vai diễn, không đơn thuần chỉ là vai diễn, sắm tuồng, mà đó còn là cả sự sống, sự sống của những con tằm vương tơ cho đời.
Vì lẽ đó, người xem sẽ cảm nhận được rất rõ những cảm xúc chân thật cùng nhịp đập của nhân vật hóa thân, như cố nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã viết : “Những điều xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến trái tim”. Đêm diễn là sự tham gia của các Hậu Duệ xuất thân từ đó ( NSUT Trường Sơn, Thanh Sơn, NSUT Tú Sương, Tiến Phước và SNN 2017 Lê Nguyễn Trường Giang) và những Hậu Duệ mới sau này gia nhập vào bộ môn Cải Lương Tuồng Cổ ( Hoài Thanh, Thanh Long,Quốc Hưng, Tấn Danh, Tấn Dũng, Chí Dũng, Thiên Hà, Văn Duy, Trọng Ngân…….).
Giang Chí Hào