Hoa khôi thời trẻ về già chịu cảnh ngủ đường, lết bằng 2 tay bán báo vỉa hè Sài Gòn mưu sinh

Từ ngày bị xe đụng gãy 2 chân, bà Hương đi bằng hai tay là chính vì đôi chân gắn inox đã quá yếu.

Những ngày vừa qua, câu chuyện của cụ bà đi bằng tay ở vỉa hè Sài Gòn đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Bài viết và hình ảnh về hoàn cảnh của cụ đã nhận được ngàn nghìn lượt chia sẻ trên Facebook, đã có rất nhiều bạn trẻ tìm đến thăm và giúp đỡ cụ bà.

Bài đăng về cụ bà nhận được rất nhiều lượt chia sẻ trên MXH.
Thời trẻ hồng nhan, về già sống cuộc đời lang bạt
Cách đây hơn một năm, bà Hương (63 tuổi) xách hai thùng nước đi qua đường thì vô tình bị chiếc xe gắn máy của một cậu thanh niên đụng phải, bà té nhào ra phần đường của xe tải, chiếc xe phía sau không phanh kịp nên đã cán qua chân bà.
Mọi người đưa bà vào viện nhưng người gây tai nạn cũng khó khăn nên chỉ hỗ trợ một phần chi phí chữa trị. Bà Hương lại tiếp tục cuộc sống “bụi đời” của mình ở góc đường Sài Gòn, chỉ là bây giờ có thêm đôi chân tàn tật.

Sau tai nạn, bà Huơng phải đi lại bằng hai tay vì đôi chân đã trở nên vô dụng.
“Hồi xưa bả là hoa khôi đó!”, “Hồi trẻ bà đẹp biết chừng nào, tui biết bả nay cũng ngót nghét 30 năm rồi, tui biết mà!”

“Bây giờ lớn tuổi rồi, ở ngoài nắng riết da đen nám nhưng nhìn vẫn có nét đẹp” – mấy cô bán hàng rong gần chỗ bà Hương bàn tán khi chúng tôi đến gặp bà Hương – họ là “hàng xóm” cũng là bạn thâm niên của bà.

Theo những người quen biết bà Hương thì trước đây bà rất xinh đẹp.

Cũng không rõ vì sao cụ bà lại cùng cậu con trai ra góc đường này sống suốt bao nhiêu năm qua. Nhắc đến người chồng, bà không nói gì, chỉ vọn vẹn 2 từ “chết rồi” – hai từ thôi gói gọn cả một con người, cả một quá khứ mà người đàn bà này muốn chôn vùi, hoặc không muốn ai biết đến.
Bà sống ở đây, buôn bán ở đây, nuôi con khôn lớn cũng ở đây – góc đường ồn ào này. Mấy năm trước cậu con trai đi phụ việc trong khách sạn, nhưng thấy lương thấp quá nên giờ đổi qua chạy xe ôm cho thoải mái.
Còn bà vẫn miệt mài với mấy món ve chai và vài tờ báo giấy, vậy đó là cũng dìu dắt hai mẹ con qua bao ngày cơ cực.

Góc đường Cách Mạng Tháng 8 – nơi bà sinh sống bao năm qua.
Hồi năm ngoái, bà Hương bị tai nạn giao thông, tưởng cưa luôn đôi chân rồi. “Vậy mà bác sĩ nói còn nước còn tát, ổng phẫu thuật gắn mấy thanh inox vào hai chân tui. Bây giờ không có tiền để đi lấy mấy cái cây inox này ra, mỗi lần đi là nhức muốn chết” – bà Hương nói.
Vậy rồi từ đó bà già không đi đứng bình thường như trước. Bà di chuyển bằng cách ngồi bệt xuống đất, hai bàn tay xỏ vào 2 chiếc dép, rồi từ từ lết về phía trước, chậm rãi như cuộc sống chẳng cần phải vội.


Bà già di chuyển bằng 4 chiếc dép.
Ngó thảm vậy chứ bà già cười miết, cái kiểu cười bất cần đời, mặc kệ cực nhọc, hễ vui là cười. Chẳng phải bà vô tư đâu mà vì ở cái tuổi này rồi, trải qua quá nhiều bể dâu, bà đã hiểu nước mắt không thể làm cơn đói qua đi, nhưng lạc quan thì có thể kiếm ra tiền.
Sông có khúc, người có lúc. Đã từng có một thời gia đình bà Hương khá giả, nhưng thế thời thay đổi giờ bà ngồi đây trên vỉa hè này, nếm cái nắng rát da, ngửi mùi khói bụi.
Nụ cười hào sảng của bà già khiến tôi luôn ấn tượng vì sự lạc quan của những người lao động.
Tình người bình dân ở Sài Gòn thân thương
“Sao bà không lấy cái nón đội vô, để đầu trần vầy là bệnh đó!” – tôi nói với bà Hương khi cảm nhận cái nắng giữa ban trưa như cứa từng nhát vào da.
Bà già cười khoe mấy cái răng rung rinh còn sót lại: “Ôi thôi tui quen rồi, trời độ nên không có bệnh tật gì đâu cậu ơi”.
Bà già vẫn bán báo mỗi ngày để mưu sinh.
Bà già bụi đời tính tình vui vẻ nên được bà con xung quanh rất quý. Hễ có gì ngon ngon là đem qua cho bà ăn, có cái mền dư cũng đem qua cho bà đắp, hay hôm nào buôn bán dư giả đem qua cho bà mấy chục ngàn dằn túi, cái tình của người lao động ở Sài Gòn tính ra đâu có mắc tiền, nhưng thiệt thà lắm.
Có rất nhiều người “hàng xóm” tốt bụng quan tâm và giúp đỡ bà già.
Nhưng cũng tuỳ người thôi, mấy tay giang hồ thì chẳng tha ai. Có mấy lần bà già nằm ngủ mê man bị tụi giang hồ rạch túi lấy hết tiền.
“Bà già thì làm gì có nhiều tiền, cùng lắm là trăm ngàn vậy mà tụi nó cũng nỡ lấy, ác nhơn ghê” – cô Hồng (bán hàng rong) lắc đầu ngao ngán.
Những lúc như vậy bà già buồn, nhưng buồn 5 phút rồi thôi, hơi đâu mà buồn nhiều cái tụi ác nhân.

Bà già rất thảo với những người có cùng cảnh ngộ với mình.
Nhờ câu chuyện của bà già được chia sẻ trên mạng xã hội, trưa hôm nay người ta đem tới tặng cho bà một chiếc xe lăn để đi lại cho đỡ vất vả. Bà già ngồi lên chiếc xe khoái chí cười hí hửng:
“Bữa nay tui trúng số độc đắc mấy ông ơi!”. Bà già gật đầu cảm tạ lia lịa rồi tranh thủ gom đồ dọn đồ đi, vì nay là bữa cuối bà ở góc đường này.
Nghe đâu người ta không cho bà ở vỉa hè này nữa, bà sẽ được đưa vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Nhưng bà già ngó bộ không ưng lắm, bả sợ vào đó người ta không có thương mình như bà con ở đây.
Có người thương bà già, tặng bà một chiếc xe lăn.
Bà già vui như trúng số. Hôm nay bả “trúng số” tình thương.
TOÀN NGUYỄN – ẢNH: NGUYỄN ĐẠT, THEO TRÍ THỨC TRẺ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.