Các cô gái làng giải trí Việt, Hàn, Ấn Độ dám cất tiếng tố cáo hành vi sai trái từ nam giới nhờ ảnh hưởng của phong trào #MeToo.
Quả Cầu Vàng 2018 xoáy vào scandal xâm hại tình dục ở Hollywood / Phạm Lịch chấp nhận lời xin lỗi của Phạm Anh Khoa / Phạm Anh Khoa: ‘Tôi xin lỗi Phạm Lịch, vợ con vì những gì đã làm’
Năm 2017, khi nhà sản xuất phim người Mỹ – Harvey Weinstein – bị hàng chục diễn viên, người mẫu tố cáo lạm dụng tình dục, người phản đối ông này lên Twitter kêu gọi nạn nhân chia sẻ câu chuyện của họ, sử dụng chung hashtag #MeToo (Tôi cũng vậy). Chiến dịch ngày càng mở rộng với sự liên kết, ủng hộ của nhiều sao nữ quyền lực ở Hollywood. Làn sóng đưa đến nhiều câu chuyện tố cáo trong và ngoài giới giải trí ở Mỹ, lan sang nhiều nước.
Ở châu Á, phong trào MeToo bùng nổ mạnh mẽ nhất trong showbiz Hàn Quốc. Người khởi xướng là diễn viên nhạc kịch Song Ha Neul. Sau khi tố cáo diễn viên kiêm giảng viên Jo Min Ki sàm sỡ mình, cô kêu gọi các nạn nhân đưa những việc làm xấu ra ánh sáng. Từ tháng 2 tới nay, hàng chục đạo diễn, diễn viên, nhiếp ảnh gia, chỉ đạo nghệ thuật và nhà sản xuất Hàn Quốc dính bê bối quấy rối tình dục, trong đó có Kim Ki Duk, Jo Min Ki, Jo Jae Hyun, Oh Dal Soo, Choi Yong Min, Jo Geun Hyun, Lee Yoon Taek, Choi Il Hwa…
Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên xảy ra việc người nổi tiếng tự tử, kể từ khi phong trào MeToo khởi phát. Trong ảnh: diễn viên quá cố Jo Min Ki.
Hơn 200 nghìn người Hàn ký đơn kêu gọi cơ quan chức năng điều tra lại vụ án diễn viên Jang Ja Yun tự tử vì bị lạm dụng tình dục năm 2009. Cô từng để lại bức thư với nội dung bị công ty quản lý ép “quan hệ” 100 lần với 31 đàn ông, trong đó có những người làm trong lĩnh vực tài chính, truyền thông. Hồi tháng 4, Viện kiểm sát Hàn Quốc tuyên bố không chỉ xem xét hành vi của những người có tên trong danh sách tố cáo trước đây của Jang Ja Yun, mà còn điều tra các cảnh sát, kiểm sát viên từng xử lý vụ án.
Ở Việt Nam, phong trào MeToo nhen nhóm với câu chuyện vũ công Phạm Lịch tố cáo rocker Phạm Anh Khoa gạ tình khi họ cùng làm việc ở chương trình Trời sinh một cặp. Ban đầu, vũ công không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ dư luận. Nhiều người thậm chí chỉ trích cô cố tình làm lớn chuyện để nổi tiếng. Sau đó, thêm hai cô gái trong giới giải trí có nội dung tố cáo tương tự, đồng thời nhiều nghệ sĩ như Nguyên Vũ, Phương Vy Idol, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Thủy Tiên, Trang Pháp, Phương Mai, Hạ Trâm… lên tiếng phản đối hành vi của Phạm Anh Khoa. Cuối cùng, ngày 15/5, rocker lên tiếng xin lỗi các đồng nghiệp nữ.
Phạm Lịch (trái) và Phạm Anh Khoa khi cùng làm việc ở một game show.
Nhiều nghệ sĩ cho biết, trước đây, nhiều vụ việc tương tự trong showbiz Việt, chỉ ồn ào một thời gian ngắn rồi chìm vào quên lãng vì các nạn nhân nữ không có bằng chứng, sợ xấu hổ, sợ định kiến từ dư luận, xã hội, người bị tố cáo thường có tên tuổi…
Những nghệ sĩ trẻ, ít có danh phận trong showbiz thường dễ là nạn nhân của việc quấy rối tình dục. Diễn viên Minh Béo từng bị một vài đàn em trong nghề tố cáo hành vi dụ dỗ, gạ tình. Nhưng vì không có bằng chứng cụ thể, vụ việc rơi vào quên lãng. Đến khi diễn viên hài bị bắt vào tù vì phạm tội ấu dâm ở Mỹ năm 2016, các hành vi chưa đúng mực của anh được nhắc lại.
Cựu người mẫu Vũ Thu Phương mất gần 10 năm mới lên tiếng việc từng bị “ông trùm Hollywood” Harvey Weinstein gạ tình tại khách sạn trong thời gian cô đến Mỹ đóng phim. Á hậu Hoàng Oanh kể câu chuyện cô từng nghĩ sẽ “sống để bụng, chết mang theo”. Vài năm trước, Hoàng Oanh được mời làm MC cho một sự kiện ở Đà Nẵng. Sau đó, người đẹp phát hiện chuyến đi chỉ là sự sắp đặt cho một cuộc gạ tình. “May mắn tôi thoát được và không bị tổn hại. Lúc đó, tôi khóc rất nhiều, hoảng sợ vì còn non nớt”, á hậu kể.
Phong trào chống lạm dụng tình dục phụ nữ cũng manh mún ở Ấn Độ, khi một số nữ diễn viên sử dụng hashtah #MeToo trên mạng xã hội, tố cáo sự bất bình đẳng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh. Rajini Vaidyanathan, Usha Jadhav từng vạch trần nạn quấy rối xảy ra thường xuyên ở đây song họ không nêu đích danh người những người có hành vi này.
Nữ diễn viên Radhika Apte cho rằng có quá ít nghệ sĩ Ấn Độ dám đòi công bằng cho bản thân vì vấn đề trọng nam khinh nữ nghiêm trọng. Các nghệ sĩ nữ đều cho rằng nếu họ lên tiếng, sự nghiệp của họ sẽ tan tành. Diễn viên Mona Mathews chia sẻ trên BBC xâm hại tình dục là tình trạng thường gặp ở Bollywood nhưng nữ diễn viên nào lên tiếng sẽ gặp nhiều bất lợi. Không chỉ ảnh hưởng sự nghiệp, họ có thể bị chính dư luận thậm chí những người thực thi pháp luật chỉ trích.
Usha Jadhav – một trong số ít nữ diễn viên Ấn Độ hiếm hoi tố cáo nạn xâm hại tình dục phụ nữ ở Bollywood.
Trở lại làng giải trí Việt, từ câu chuyện của vũ công Phạm Lịch, việc ngăn ngừa, chống lại các hành vi quấy rối tình dục như thế nào là câu hỏi được đặt ra.
Luật sư Phạm Hậu (hãng luật độc lập DNH Law) cho biết: “Pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi quấy rối tình dục cũng như xác định đó là một tội danh. Với trường hợp của Phạm Anh Khoa, pháp luật không thể phân định anh ấy đúng hoặc sai vì không có bằng chứng rõ ràng, vì vậy khả năng thưa kiện gạ tình, quấy rối tình dục là khó xảy ra”. Luật sư Hậu cho biết năm 2015, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra bộ nguyên tắc ứng xử nơi làm việc, trong đó định nghĩa: “Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến tâm lý nam/nữ giới. Các hình thức quấy rối tình dục bao gồm: va chạm cơ thể, dùng lời nói, phi lời nói, hình ảnh khiêu dâm…” Tuy nhiên, đây chỉ là một nguồn tham khảo chứ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật.
Việc lên án hành vi quấy rối tình dục ở Việt Nam đến thời điểm này chỉ được xem xét ở phạm trù vi phạm đạo đức, chuẩn mực văn hóa nói chung. Luật sư khuyên các cô gái bị quấy rối có thể dùng tiếng nói của mình để kêu gọi sự chú ý của xã hội, gây sức ép lên những người có hành vi sai quấy.
Bên cạnh các ý nghĩa tích cực, theo Chosun, phong trào MeToo cũng bị biến tướng khi không ít người lợi dụng sự việc để bôi nhọ người khác. Một số tài khoản mạng xã hội đăng các thông tin không xác thực gây tổn hại danh dự người khác. Một luật sư Hàn Quốc phân tích việc tố cáo ẩn danh trên Internet, sức ép từ dư luận có thể gây ảnh hưởng quá trình điều tra của cơ quan hành pháp, không đảm bảo công bằng cho cả hai phía trong mỗi vụ cáo buộc.
Phong trào MeToo ở Hàn Quốc còn khiến một bộ phận nam giới nước này e ngại phụ nữ, né tránh đồng nghiệp nữ ở nơi làm việc. Không ít phụ nữ Hàn chia sẻ công ty không cho họ tham gia tiệc tùng chung. Quản lý không nói chuyện trực tiếp với nữ nhân viên mà chỉ truyền đạt qua tin nhắn. Một chuyên gia tâm lý nhận định trên Chosun: “Sự né tránh này có thể càng làm tăng mâu thuẫn nam nữ, gây ra tổn thương nặng nề hơn cho phụ nữ”. Theo báo cáo tại Diễn đàn Kinh thế thế giới năm 2017, Hàn Quốc đứng thứ 118 trong tổng số 144 quốc gia về bất bình đẳng giới.
(Theo Chosun)