Hạnh kiểm học sinh, giáo viên chủ nhiệm 'độc quyền' phán xử?

Ai dám đảm bảo giáo viên chủ nhiệm nào cũng công tâm khi xếp hạnh kiểm học sinh? Liệu họ đã bao quát và sâu sát mọi hoạt động của học sinh hay chỉ đánh giá dựa vào một vài biểu hiện?

Hạnh kiểm học sinh, giáo viên chủ nhiệm độc quyền phán xử? - Ảnh 1.

Tháng 5, các trường lại tất bật công tác cuối năm. Bên cạnh việc thi cử, điểm số, báo cáo, thống kê, thành tích… một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo viên chủ nhiệm là đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Vậy nhưng tôi thấy công tác này đang bị xem nhẹ, lơ là, hình thức.

Có công tâm khi xếp loại?

Trong cuộc họp hội đồng sư phạm vào đầu tháng vừa qua, thầy hiệu trưởng trường tôi nhắc nhở giáo viên chuẩn bị xếp loại hạnh kiểm.

Thầy lưu ý những điểm sai sót thường gặp của giáo viên, chẳng hạn chưa thống kê số buổi vắng đã xếp loại tốt và cuối cùng lộ ra chuyện vắng không phép hàng chục buổi, hễ ngoan hiền là xếp loại tốt trong khi sức học yếu phải thi lại…

Những lưu ý của thầy hoàn toàn có cơ sở bởi thực tế có không ít trường hợp giữa xếp loại của giáo viên và năng lực, biểu hiện của học sinh “vênh” nhau một trời một vực. Nó tạo ra sự mất công bằng giữa các em và gây mất niềm tin, thiếu sức thuyết phục trong học sinh, phụ huynh.

Đó là hệ quả tất yếu của việc người thầy nắm mọi quyền uy trong nhận xét, đánh giá, xếp loại. Nhà trường giao phó và hoàn toàn tin tưởng vào sự nhìn nhận của giáo viên chủ nhiệm. Vô hình trung người thầy trở thành quan tòa độc quyền phán xử.

Nhưng ai dám đảm bảo giáo viên nào cũng đủ công tâm khi đánh giá hạnh kiểm?

Có khi nào người thầy bênh vực bạn này, xử ép bạn kia vì một vài lý do nào đó không?

Giáo viên chủ nhiệm đã bao quát và sâu sát mọi hoạt động của học sinh trong suốt năm học chưa hay chỉ đánh giá dựa vào một vài biểu hiện?…

Quy định xếp loại hạnh kiểm thiếu cơ sở khoa học?

Nếu học lực dựa vào điểm số để xếp loại rõ ràng, minh bạch thì hạnh kiểm chỉ có thể đánh giá một cách định tính thông qua việc tuân thủ nội quy trường lớp, ý thức học tập, thái độ với thầy cô, bạn bè…

Hạnh kiểm phải được xem xét trong mối quan hệ tổng hòa của mọi yếu tố và đánh giá nhân cách một con người phải dựa vào cả một quá trình chứ không thể xét trên một vài biểu hiện. Tuy nhiên, trong thực tế không ít trường hợp đánh giá hạnh kiểm học sinh khiến chúng ta phải trăn trở.

Đó là khi một học sinh có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ với sức học yếu lại cực kỳ ngoan ngoãn, lễ phép, thân thiện với bạn bè nhưng quy định là… không thể xếp loại tốt.

Đó là khi một học sinh có học lực giỏi nhưng tinh nghịch với những vi phạm nội quy như nói chuyện trong lớp, đi học muộn buộc phải hạ xuống bậc hạnh kiểm khá so với các bạn “ngoan ngoãn” khác. “Cá tính” đang bị đánh đồng với sự nổi loạn, biểu hiện khác số đông!

Đó là khi một học sinh chẳng may vi phạm nội quy đánh nhau, quay cóp tài liệu theo quy định phải hạ bậc hạnh kiểm. Dù cả năm có phấn đấu thế nào nhưng đã lỡ “dính chàm” và quy định là quy định thì lẽ tất nhiên chẳng ai muốn tiếp tục cố gắng sửa chữa lỗi lầm. Sự trượt dài trong ý thức là điều cực kỳ nguy hại!

Còn nhiều và rất nhiều trường hợp cho thấy quy định đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh hiện nay đang bộc lộ khá nhiều bất cập, thiếu cơ sở khoa học. Và khi môi trường học đường thay đổi, nhận thức của xã hội thay đổi, ngành giáo dục cũng cần phải có những đổi thay cần thiết trong đánh giá nhân cách học sinh.

Sự vô tình, máy móc trong xếp loại hạnh kiểm học sinh, biết đâu sẽ gây ra thương tổn khó phai trong tâm hồn của những đứa trẻ đang học cách làm người?

Xin đừng xuề xòa khi đánh giá hạnh kiểm học sinh!

(Theo TTO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.