Nơi tạo điều kiện cho các nghệ sĩ “gặt huy chương”?

Thông tin vở ‘Tổ quốc nơi cuối con đường’ của Nhà hát Thế Giới Trẻ tham dự Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vào tháng Chín tại tỉnh Long An đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhiều điều bất ngờ.

Đã rất lâu, NSƯT Minh Vương mới có mặt ở một vở diễn tham dự liên hoan sân khấu (LHSK) cải lương chuyên nghiệp. Không chỉ vậy, vở diễn còn quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSƯT Thanh Điền, NSƯT Tấn Giao, nghệ sĩ hài Bảo Trí… Đặc biệt, có sự tăng cường của NSƯT Hải Yến (đoàn văn công Đồng Tháp) và NSND Hồng Lựu – người được mệnh danh là “Người phụ nữ thắp sáng hồn dân ca xứ Nghệ”.

Nha hat danh cho ai?
Hầu hết các đơn vị nghệ thuật địa phương luôn trao cơ hội cho diễn viên của đơn vị trong các đợt liên hoan sân khấu

Việc quy tụ nhiều ngôi sao, nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật trong một tác phẩm cải lương không phải là điều lạ và cũng chẳng cần phải luận bàn nếu Tổ quốc nơi cuối con đường không phải là vở tham dự liên hoan, được đăng ký với tên đơn vị Nhà hát Thế Giới Trẻ, trực thuộc Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM.

Theo quy chế của Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh  TP.HCM, Nhà hát Thế Giới Trẻ có chức năng dàn dựng các tác phẩm sân khấu mang tính thể nghiệm của trường để phục vụ học tập, đồng thời là nơi tổ chức biểu diễn giới thiệu thành quả nghệ thuật của trường đến với công chúng. Phải hiểu Tổ quốc nơi cuối con đường thế nào cho đúng với chức năng của Nhà hát Thế Giới Trẻ?

Nói đây là tác phẩm mang tính thể nghiệm của trường để phục vụ học tập thì khiên cưỡng, mà nói đây là vở diễn giới thiệu thành quả của trường thì lại càng không phải. Tất cả những nghệ sĩ đảm nhận các vai diễn quan trọng trong tác phẩm đều không phải là “cựu sinh viên” của trường.

Khi sân khấu cải lương đang gặp trăm ngàn khó khăn, nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp Khoa Kịch hát dân tộc vẫn phải long đong tìm nơi làm nghề, thế mà lại không có cơ hội thể hiện mình ở một sân chơi chuyên nghiệp, khi nhà hát của trường dựng vở đi thi.

Cách làm ở Tổ quốc nơi cuối con đường khiến nhiều người đặt câu hỏi về cái tâm, trách nhiệm của nhà trường với sinh viên của mình. Tệ hơn, phải chăng chất lượng đào tạo của trường có vấn đề nên chính trường cũng không đủ niềm tin vào đội ngũ diễn viên do mình đào tạo?

Khó trách những ý kiến cho rằng, Tổ quốc nơi cuối con đường dự LHSK để phục vụ cho mục đích của vài cá nhân, góp thêm tay “cào huy chương”. Quanh năm, Nhà hát Thế Giới Trẻ chẳng có lấy một suất diễn cải lương, nhưng đến LHSK, nhà hát lại chuẩn bị khá chu đáo – từ đặt hàng kịch bản đến mời nghệ sĩ tên tuổi và đầu tư dựng vở.

Không chỉ năm nay mà nhiều LHSK trước, các vở dự thi chỉ tập trung ở một số tên tuổi cả trong vai trò đạo diễn lẫn đảm nhận tuyến nhân vật chính. Xem ra việc mượn danh nhà trường để tham gia liên hoan, hội diễn đã thành thông lệ ở ngôi trường đào tạo nghệ thuật này. Nên chăng, chức năng của Nhà hát Thế Giới Trẻ cần được sửa lại: nơi tạo điều kiện cho các nghệ sĩ “gặt huy chương”?

Theo Phụ Nữ Online

Tiêu đề được đặt lại theo Nhịp Sống Thời Đại

Nội dung bài viết giữ nguyên bản/.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.