Hoang mang vì…giá xăng tăng liên tục

Thời gian gần đây, song song với việc giá điện tăng cao thì giá xăng dầu cũng tăng liên tục, chi phí sinh hoạt chính vì đó mà rập rình tăng theo. Điều đó gây ảnh hưởng không ít đến cuộc sống người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Theo khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (TDSI), cho biết tính đến năm 2018 tại TP.HCM có khoảng 330.000 ô tô nhưng lại có đến 8,5 triệu xe máy. Phần lớn xe máy là từ những người dân nhập cư đưa xe từ các tỉnh vào TP.HCM để thuận lợi cho việc đi lại, những người nhập cư này chủ yếu là sinh viên và người lao động.

Xăng tăng giá liên tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của những người có thu nhập thấp (Ảnh: Hải Nguyên)

Xăng lại…tăng giá!

Cụ thể chiều 2/5, tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM với mức giá xăng dầu được niêm yết cao hơn so với trước đó gần 1.000 đồng/lít, được biết đây là lần thứ ba trong tháng qua giá xăng tăng mạnh.

So với giá bán cách đó 15 ngày, giá bán các mặt hằng xăng tiêu dùng phổ biến trên thị trường có giá là: xăng E5 RON92 không vượt hơn 20.688 đồng/lít (tăng 985 đồng/lít); xăng RON95-III không vượt hơn 22.191 đồng/lít (tăng 956 đồng/lít).

Lý giải cho việc giá xăng tăng liên tục trong thời gian qua,lãnh đạo Petrolimex cho biết việc tăng giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị địnhsố 83/2014/NĐ-CP ngày 03.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 83) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 83 của Liên Bộ Công Thương – Tài chính.

Và sau hơn 1 tuần tăng giá, người dân đang có những hoang mang, khó khăn khi xăng tăng và chưa có dấu hiệu giảm.

Với chiếc xe gắn máy là phương tiện duy nhất để chở khách kiếm thêm thu nhập cho gia đình, việc xăng tăng giá liên tục làm cho chú Nguyễn Văn Bảy (Quận 12, TP.HCM) phải bức xúc: “Tăng gì mà tăng hoài, một tháng mà tăng ba lần như vậy thì người dân phải sống sao đây. Điện đã tăng giờ xăng còn tăng liên tục, mà giá chở khách thì đâu có tăng theo được, tăng thì ai mà chịu đi, kiểu này miết chắc tui phải bỏ nghề xe ôm đi tìm công việc khác luôn”.

Xăng tăng nhưng không thể tăng giá chở khách làm cho những người chạy xe ôm truyền thống như chú Nguyễn Văn Bảy không khỏi bức xúc (Ảnh: Hải Nguyên)

Người dân hoang mang…

Cùng với việc tăng giá điện, giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo các chi phí sinh hoạt của người dân ngày càng tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những người có thu nhập thấp.

Mặc dù lãnh đạo Petrolimex đã lý giải việc tăng giá xăng dầu lần này, theo phản ánh của người dân việc tăng giá liên tục như vậy là chưa hợp lý, khi chỉ một thời gian ngắn mà giá xăng lại tăng cao.

Anh Đinh Văn Trường Châu – sinh viên năm cuối, ĐH Văn Lang TP.HCM cho biết việc xăng tăng làm thêm chi phí sinh hoạt cũng vì thế mà tăng theo gây ảnh hưởng không ít đối với một sinh viên có thu nhập thấp. Chi tiêu tiết kiệm đến mức tối đa là những gì mà sinh viên đang làm, để không phải “vòi” thêm tiền gia đình để chi tiêu khi cả xăng và điện điều tăng.

Anh Châu cho biết nhiều sinh viên phải đi xe buýt để tiết kiệm khi giá xăng tăng mạnh (Ảnh: Hải Nguyên)

“Với một sinh viên năm cuối thì việc sử dụng xe gắn máy hỗ trợ cho việc thực tập rất là nhiều, nhưng khi xăng tăng thì lại làm cho chi phí sinh hoạt chúng tôi ngày càng tăng theo. Như lúc trước khi xăng chưa tăng thì một tháng tôi chỉ mất khoảng 300.000 đồng cho chi phí xăng, nhưng khi xăng tăng như vậy thì tôi phải tốn khoảng 360.000 đồng” – anh Châu bộc bạch.

Than vãn về việc xăng tăng giá, chị Nguyễn Thị Thanh Diệu (Quận Bình Tân, TP.HCM)) nói: “Công nhân như chị thu nhập đã thấp, tích góp dành dụm để trang trải cho 6 người đã rất khó khăn, nào là chi phí sinh hoạt, tiền học cho con, điện nước,.. mà bây giờ phải thêm một khoảng tiền cho việc đi lại khi giá xăng cứ tăng liên tục hoài. Sắp tới đây chắc chị phải chắc chiu chuyện tiền nông hơn nữa mới đủ các chi phí cho cả gia đình”.

Cô Trần Thị Mai – tiểu thương chợ Tân Hương (Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Cả tháng nay nắng nóng buôn bán ế ẩm, rồi tiền điện tăng, bây giờ xăng cũng tăng liên tục. Nhà cô phải đi lấy hàng thường xuyên, có khi phải giao hàng cho khách, mà xăng tăng kiểu này cô phải đổ thêm chi phí xăng, tính ra tiền lời không còn bao nhiêu”.

“Tăng giá xăng nhưng giá niêm yết mỗi chuyến xe vẫn không lên, từ đó chi phí sinh hoạt cho gia đình của anh phải bị thâm hụt thêm nếu xăng cứ tăng giá liên tục như vầy” – anh Nguyễn Xuân Tiến – tài xế chạy Go-việt tâm sự.

Mong muốn giá xăng ổn định của người dân là thiết thực, bởi thực tế cuộc sống của những người thu nhập thấp đã khó khăn nay lại càng thêm khó khăn chồng chất khi cả điện và xăng đồng loạt tăng mạnh. Chúng ta vẫn chưa quên thời điểm năm 2014, đây là năm đỉnh điểm khi giá xăng cao kỷ lục với mức giá đạt gần 26.000 đồng/lít, với những gì đang diễn ra khi xăng tăng liên tục trong tháng qua, người dân hy vọng lịch sử sẽ không tái diễn để ổn định cuộc sống hơn.

Hải Nguyên

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.