Thành danh ở nước ngoài với hàng loạt giải thưởng quốc tế danh giá như Giải nhất Liên hoan guitar tại Rhode Island (2018), Giải nhất cuộc thi guitar quốc tế tại New Orleans (2018), Giải nhất cuộc thi Classic Alive Young Artist ở Malibu, California (2017), Giải nhất cuộc thi guitar quốc tế Hamilton, tại Ontario, Canada (2016), nhưng đâu đó trong thâm tâm người nghệ sỹ trẻ vẫn luôn đau đáu về sự phát triển của guitar cổ điển nước nhà.
“Tôi mong muốn có thể làm một cây cầu nghệ thuật nối Việt Nam với thế giới” lời tâm sự của nghệ sỹ và mối lương duyên đã đưa Trần Tuấn An đến với miền đất Đà Lạt mộng mơ, đến với những khán giả đam mê Guitar cổ điển nơi đây.
Trần Tuấn An đã có một đêm diễn chạm đến cảm xúc của khán giả tại Woodstock Đà Lạt bằng làn điệu dân ca Bắc Ninh, tiếng ru à ơi, róc rách nước chảy, tiếng chim hót, nhịp cồng chiêng…Tất cả được tái hiện bằng bàn tay điêu luyện của người nghệ sỹ trẻ và cây đàn Guitar qua các tác phẩm: người ơi người ở đừng về, ru con, mưa, núi rừng Tây Nguyên…
Khán giả Đà Lạt còn có một đêm lãng mạng qua những tác phẩm Guitar cổ điển nổi tiếng thế giới được Trần Tuấn An thể hiện lại như: Heitor Villa-Lobos (1887 – 1959) – 3 Preludes for Guitar, Francisco Tarrega (1852-1909) – Recuerdos de la Ahambra, Roland Dyens (1955 – 2016) – Flying Wigs (Perruques volantes), Roland Dyens (1955 – 2016) – Triaela.
Khép lại đêm diễn bằng những tràng pháo tay không dứt, ước nguyện kết nối khán giả trong nước với nền Guitar thế giới cũng như đưa nền nghệ thuật Việt Nam ra thế giới của nghệ sĩ đã phần nào được thực hiện, lời hẹn về lần trở về tiếp theo với những tác phẩm mới và sứ mệnh mới đã được nhen nhóm trong lòng nghệ sĩ, chúng ta cùng dõi theo và chờ đợi chặng đường kế tiếp của Trần Tuấn An!
Ngọc Mai.