Bay sô ngoại không dễ hái ra tiền như nhiều người vẫn nghĩ, đây chỉ là cách giữ khán giả, mở đường cho ngày sau của ca sĩ. Theo họ, hát ở Việt Nam sướng hơn nhiều.
Khi Việt Nam bước vào mùa mưa cũng là lúc những chương trình biểu diễn ở hải ngoại bắt đầu được tổ chức dày hơn. Với ca sĩ trong nước, đây là khoảng thời gian “chống nhàn rỗi” khi các sân khấu biểu diễn vốn khó khăn gặp mùa mưa lại càng ế khách hơn. Chương trình biểu diễn giảm đi, chỉ vài tên tuổi có nhiều fan (người hâm mộ) nằm trong danh sách ca sĩ ưu tiên lựa chọn của các đơn vị tổ chức chương trình.
Mọi thứ đã khác
Thường thì những giọng ca thật sự ăn khách mới được bầu sô ở hải ngoại mời lưu diễn. “Đơn giản vì cộng đồng người Việt ở các nước không nhiều nên nếu không phải là những giọng ca thật sự được họ biết đến, chắc chắn bầu sô không dám mời vì sợ không bán được vé” – một bầu sô hải ngoại lý giải.
Thậm chí, không ít ca sĩ tên tuổi trong nước khi ra hải ngoại đã không được chào đón như mong đợi vì lúc ấy không có những bản hit (ăn khách) như các ca sĩ khác. Vậy nên, chuyện ca sĩ tên tuổi nhiều khi phải “ăn theo” giọng ca thường thường bậc trung chỉ vì người này đang “hot” là không phải hiếm gặp trong những chuyến lưu diễn trời Tây.
Hồ Ngọc Hà đem live show “Love song” sang diễn tại cộng đồng người Việt tại các nước châu Âu và Mỹ Ảnh: ĐẠI NGÔ
Với sức ảnh hưởng của mình, ca sĩ Việt cũng có những đặc quyền riêng khi bay sô ngoại. Nếu nhiều năm trước, những chương trình phục vụ kiều bào chủ yếu xếp hàng lên diễn, càng nhiều ca sĩ biểu diễn càng tốt, thì nay mọi thứ đã khác. Các sao chỉ nhận lời bay sô ngoại khi làm nhân vật chính của cả chương trình.
Ca sĩ hạng sao thường mang live show rút gọn hay ít nhất là mini show từng diễn ra ở Việt Nam để biểu diễn ở nước ngoài. Hồ Ngọc Hà mang live show “Love song” đi diễn khắp các cộng đồng người Việt tại châu Âu lẫn Mỹ. Noo Phước Thịnh cũng mang mini show “Những bản hit” vừa diễn ra ở phòng trà Đồng Dao đi châu Âu và Mỹ vào tháng tới. Hương Tràm với bản hit đình đám “Em gái mưa” diễn khắp nhiều bang ở Mỹ. Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Hiền Thục, Bảo Anh, Lệ Quyên, Quốc Thiên, Đan Trường, Tóc Tiên… đều đang bận rộn với những chuyến bay sô ngoại.
Khó lòng thăng hoa
Với nhiều ca sĩ, hát chương trình ở nước ngoài vất vả gấp nhiều lần trong nước. Nói vậy cũng không quá lời khi những chuyến bay dài luôn vắt kiệt sức ca sĩ. Thực tế, những chuyến lưu diễn dài ngày, ca sĩ chủ yếu “đốt” thời gian cho việc di chuyển. Những buổi diễn chỉ diễn ra vào 2 ngày cuối tuần, thời gian còn lại là bay từ nơi này đến nơi khác.
“Có khi vừa đến nơi, chúng tôi đã nhào lên sân khấu. Hát đến 1-2 giờ, chúng tôi lại tất bật về khách sạn dọn hành lý và ra sân bay. Những chuyến diễn thế này đôi khi trở thành nỗi ám ảnh của ca sĩ” – một ca sĩ tên tuổi bày tỏ.
So với những buổi diễn trong nước, thậm chí diễn event (sự kiện) hát tối đa 3 bài, chạy sô ở nước ngoài là một cực hình đối với ca sĩ. Quan trọng nhất là mức thù lao bay sô ngoại không hề nhiều như mọi người vẫn nghĩ. “Tính ra, chạy sô ở Việt Nam thù lao còn nhiều gấp vài lần nước ngoài” – một ca sĩ tiết lộ.
Một trong những điều khiến ca sĩ Việt ngại bay sô ngoại nhất chính là điểm diễn. Các điểm diễn gần như tổ chức trong nhà hàng. Ở đó, ca sĩ luôn hết mình với bài hát trên sân khấu, còn khán giả vẫn cứ… chăm chú ăn uống. “Cảm giác có chút chạnh lòng” – một ca sĩ từng bay sô ngoại tâm sự.
Nếu các chương trình ở Việt Nam luôn chú trọng sự hoành tráng với sân khấu nhiều hiệu ứng từ ánh sáng, trang trí, đạo cụ… thì ở hải ngoại, khán phòng biểu diễn có khi được trưng dụng từ không gian một quán ăn. Không vũ đoàn minh họa, chẳng cần dàn dựng…, ca sĩ cứ lên sân khấu hát như được lập trình sẵn.
Sau này, khi các đơn vị tổ chức mang hẳn live show riêng của ca sĩ đi diễn, sân khấu được nâng chất phần nào. Thế nhưng, nếu ở Việt Nam, sân khấu được chăm chút hết mức thì ở nước ngoài, đạt 30%-40% đã là quá đầy đủ rồi. Với những buổi diễn trên sân khấu dã chiến như vậy, dù có tâm đến mức nào thì ca sĩ cũng khó lòng thăng hoa.
Dù vậy, ca sĩ Việt vẫn mong được bay sô ngoại. Bởi lẽ, đó là nơi họ sẽ đến thường xuyên hơn khi mật độ lịch diễn ở Việt Nam thưa đi. Người trong giới nói vui rằng “đây là cách ca sĩ dọn đường cho tương lai gần” khi sự đào thải ở showbiz đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.
Vắng ca sĩ ngôi sao, liệu thị trường ca nhạc trong nước sẽ khó khăn hơn? Thực tế, khán giả đang khá thờ ơ với V-pop. Với các đơn vị tổ chức event, những ngôi sao hàng đầu luôn là danh sách được nhắm đến trước tiên. Song, khi không đạt được thỏa thuận giá cả (tùy thuộc rất lớn vào gói chi phí tổng thể của chương trình), ngôi sao hàng đầu cũng sẽ bị thay thế bởi những ngôi sao hạng B, thậm chí là C.
“Khán giả bây giờ gần như không quan tâm ai sẽ góp mặt trong một event. Không có ca sĩ hạng A thì thay bằng ca sĩ hạng B hay bằng 2 ca sĩ hạng C, chương trình vẫn ổn” – một bầu sô cho biết.
Giới ca sĩ cũng thừa nhận khán giả bây giờ gần như không mấy quan tâm đến việc giọng ca nào sẽ góp mặt trong các chương trình. Nếu không phải là một live show thực sự được đầu tư về chất lượng thì giọng ca đó khó được công chúng lưu tâm.