Cà phê Việt Nam: Không hề dễ dàng…cho lối đi mới

Mặc dù thị trường cà phê Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhưng để phát triển thương hiệu một cách bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải chọn ra một thế mạnh của riêng mình, ngược lại sẽ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường như hiện nay.

Cà phê Việt Nam ngoài những thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường như Trung Nguyên, Vinacafe Biên Hòa và Nestlé… thời gian gần đây đã xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới cả nội lẫn ngoại với hình thức kinh doanh mới.

Mẫu mã bao bì cà phê được đầu tư kỹ lưỡng, đẹp mắt hơn so với trước (Ảnh: Thanh Phúc)

Tìm lối đi mới trên thị trường

Trong bối cảnh cà phê đang phải đối mặt với những áp lực: cạnh tranh gay gắt về nguồn cung trên thị trường; “tranh chấp” về diện tích cùng tính cạnh tranh về hiệu quả kinh tế so với các nông sản khác…, để phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng, ngành cà phê cần một chiến lược phù hợp.

Thực tế trong nhiều thập niên qua, trên thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam chỉ mang danh về sản lượng, chứ về chất lượng chưa được thừa nhận trên thị trường. Chính vì thế, việc chú trọng phát triển cà phê đặc sản được xem là một nhu cầu cấp bách.

Cách pha chế ngày càng nhìn đẹp mắt, công phu hơn so với trước (Ảnh: Thanh Phúc)

Để cà phê Việt Nam được nâng tầm trên trường quốc tế, đòi hỏi phải đảm bao được chất lượng từ khâu sản xuất tới khâu chế biến. Vì vậy, khâu sản xuất nguyên liệu được xem là vô cùng quan trọng. Muốn có được một sản phẩm cà phê chế biến đạt chất lượng thì hạt cà phê đầu vào cũng phải đạt yêu cầu và theo chuỗi chế biến sâu, chất lượng nguồn nguyên liệu phải thực sự đảm bảo.

Bên cạnh đó, để có một sản phẩm thật sự đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng cà phê trên thế giới, việc đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến châu Âu, chế biến phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cộng với công thức rang, xay, pha chế cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng.

Nắm được những điều đó, hiện nay những doanh nghiệp, các hợp tác xã đã triển khai mô hình mới, học hỏi nhều về chuyên môn hay hỗ trợ tạo ra chuỗi cung cấp, hỗ trợ cho các mô hình cà phê vừa và nhỏ nhằm tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng tốt, có chỗ đứng trên thị trường.

Anh Hoàng Quang Hiển – Giám đốc điều hành Công ty Apier cho biết: “Hiện nay người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất vẫn là cà phê sạch, cho nên những thị trường cà phê sạch đang có chỗ đứng, tất cả mọi thứ như rang, xay, bao bọc… đều phải là nguyên chất. Muốn được như vậy thì phải tạo nên một quy trình kép kính từ nguồn gốc từ những nơi trồng đến tới các nhà máy. Ngoài ra phải đầu tư thiết bị máy móc đạt chuẩn để có được một sản phẩm cà phê chất lượng và được sự quan tâm của người tiêu dùng.”

Vẫn còn là… những khó khăn

Qua nhiều nỗ lực của các nhà quản lý và những người trong cuộc, đến nay cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, để giá trị hạt cà phê Việt Nam được tăng cao trên thị trường thế giới, việc phát triển cà phê đặc sản là một điều không hề đơn giản.

Các loại cà phê sạch ngày càng được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn (Ảnh: Thanh Phúc)

Song hành với cải thiện năng suất và chất lượng, trong quá trình thành lập và vận hành nhiều doanh nghiệp nhất là các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn. Điều đó cũng là những trở ngại lớn cho các mô hình kinh doanh mới để có tạo được sản phẩm cà phê đặc sản.

“Nguồn vốn, kinh nghiệm trong quá trình vận hành, kinh nghiệm về chuyên môn cũng như tìm kiếm khách hàng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó nhận thức của người nông dân còn nhiều hạn chế, tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ manh mún đã quen khi vào tập thể rất khó. Một phần nữa là họ chưa hiểu nhiều về mô hình hợp tác xã cho nên vấn đề tuyên truyền cho người nông dân tham gia vào hợp tác xã là cả một vấn đề.” anh Trần Thanh Sơn – đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết bày tỏ.

Hiện nay, giá cà phê nhân của chúng ta rất thấp và chỉ có 7% sản lượng được chế biến sâu – mang 14% giá trị, do đó, rất thiệt thòi và hạn chế hoc à phê Việt Nam.Nếu không có giải pháp thì không tạo ra chuỗi giá trị cho cây trồng đặc biệt là cà phê.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết niên vụ 2017-2018, các địa phương thực hiện tái canh cà phê được 26.818 ha, đạt 64,48% kế hoạch, riêng năm 2018 thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71,09% kế hoạch. Công tác tái canh diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn về vốn đối với cả nông dân và một số doanh nghiệp sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh. Với giá cà phê nhân giảm xuống sâu, có thời điểm chỉ còn từ 32.500 – 32.700 đồng/kg đã khiến các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê không có lãi, thậm chí là lỗ đối với những vườn cà phê cho năng suất thấp.

Trước tình hình đó, để cải thiện và hạn chế những khó khăn phải có những giải pháp nhằm đẩy mạnh thị trường cà phê Việt Nam đòi hỏi các địa phương cần phối hợp và tham khảo các chuyên gia quốc tế cùng các địa phương xây dựng chương trình cà phê đặc sản, nhằm thu hút được nhiều đối tác, khách hàng.

Anh Nguyễn Văn Trình – Giám đốc Cty Ngọc Mai Quang Trung kì vọng:“Trong những năm tới sẽ chuyển đổi được từ sản xuất truyền thống qua sản xuất chất lượng cao để nâng cao chất lượng cà phê, mang lại giá trị trong nước để xuất khẩu. bên cạnh đó tìm kiếm được nhiều đối tác và đặc biệt cung cấp người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất, làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về thị trường cà phê như hiện nay.”

Thanh Phúc

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.